Mèo Ba Tư là một giống mèo lông dài,có khuôn mặt tròn và mõm ngắn. Nó còn được gọi là “Mèo Ba Tư lông dài” tại các quốc gia nói tiếng Anh. Ở khu vực Trung Đông, chúng được biết đến rộng rãi với cái tên “mèo Shirazi” và ở Iran, chúng được gọi là “mèo Shiraz”. Tổ tiên của mèo Ba Tư được nhập khẩu vào Ý từ Iran (tên cũ là Ba Tư ở) vào khoảng năm 1620. Được công nhận bởi những người yêu mèo từ cuối thế kỷ 19, giống mèo này ban đầu được phát triển bởi người Anh, và sau đó chủ yếu là các nhà nhân giống người Mỹ sau Thế chiến thứ hai. Một số tiêu chuẩn giống của các tổ chức yêu mèo xếp mèo Himalaya và Exotic lông ngắn là các biến chủng của giống mèo này, trong khi những bên khác coi chúng là giống riêng biệt.
Việc nhân giống chọn lọc đã giúp phát triển nhiều loại màu lông khác nhau, nhưng cũng dẫn đến việc khuôn mặt của mèo Ba Tư ngày càng dẹt. Tuy được những người yêu mèo ưa chuộng, kiểu cấu trúc đầu này có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Như trường hợp của giống mèo Xiêm, một số nhà nhân giống đã nỗ lực để bảo tồn kiểu hình giống truyền thống, có mõm rõ hơn, phổ biến hơn với công chúng. Bệnh thận đa nang di truyền phổ biến ở giống mèo này, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số ở một số quốc gia.
Vào năm 2023, nó đã được xếp hạng là giống phổ biến thứ hai ở Mỹtheo Hiệp hội những người yêu thích mèo. Đứng thứ hạng đầu tiên là giống Exotic.
Lịch sử
Nguồn gốc
Chưa xác định được thời điểm mèo lông dài xuất hiện lần đầu tiên, vì không tìm thấy mẫu vật lông dài nào của mèo rừng châu Phi – tổ tiên của giống mèo nhà.
Tổ tiên đầu tiên của mèo Ba Tư được nhập khẩu vào Ý từ Khorasan, Iran năm 1620, bởi Pietro della Valle và cũng trong khoảng thời gian đó, chúng được xuất khẩu từ Angora (nay là Ankara), Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Pháp bởi Nicholas-Claude Fabri de Peiresc. Những con mèo Khorasan có bộ lông màu xám trong khi những con từ Angora có lông màu trắng. Từ Pháp, chúng sớm được đưa tới Anh.
Cuộc nghiên cứu di truyền gần đây chỉ ra rằng giống mèo Ba Tư ngày nay không bắt nguồn từ giống mèo từ Cận Đông mà là mèo Tây Âu. Các nhà nghiên cứu tuyên bố: “Theo thực tế, mặc dù giống mèo Ba Tư có nguồn gốc từ Ba Tư (Iran), nhưng con mèo Ba Tư hiện đại đã mất đi những đặc điểm di truyền vùng ban đầu”.
Quá trình phát triển Mèo Ba Tư và mèo Angora
Chú mèo Ba Tư đầu tiên được tham dự tại cuộc thi cat showdo Harrison Weir tổ chức vào năm 1871 tại Crystal Palace ở London, Anh. Khi các cá thể có ngoại hình gần giống với mèo Ba Tư ngày nay trở nên phổ biến hơn, con người lại muốn phân biệt chúng với Angora. Tiêu chuẩn giống đầu tiên (sau đó được gọi là danh sách các đặc điểm xuất sắc) được ban hành vào năm 1889 bởi nhà quảng bá cat show Weir. Ông tuyên bố rằng mèo Ba Tư khác với Angora ở các đặc điểm sau: đuôi dài hơn, lông xù hơn và thô hơn ở phần cuối, đầu to hơn, tai không nhọn bằng. Không phải tất cả những người yêu mèo đều đồng ý với sự phân loại này, và trong cuốn The Book of the Cat xuất bản năm 1903, Francis Simpson nói rằng “dường như không có mấy sự khác biệt giữa Angora và mèo Ba Tư, nên tôi có thể dễ dàng bỏ qua lớp mèo thường được gọi là Angora”.
Nhà vô địch Dorothy Bevill nêu lên sự khác biệt giữa hai loài trong cuốn Everybody’s Cat Book xuất bản năm 1909 như sau:
Những cá thể lông dài được nhập khẩu ngày nay chắc chắn là đã được lai giữa Angora và mèo Ba Tư; chúng có đầu tròn hơn giống trước đây và bộ lông cũng có chất lượng khá khác biệt.
Bell phân tích chi tiết hơn: bộ lông của mèo Ba Tư bao gồm một lớp lông ngắn ở trong và lớp lông ngoài dày và dài. Vào mùa hè, bộ lông lót sẽ rụng hết, chỉ còn lại lớp lông dài bên ngoài. Lông ở vai và phần trên của chân sau có phần ngắn hơn. Ngược lại, Angora có bộ lông rất khác biệt: lông dài và mềm, thường mọc theo lọn, “lọn hơi xoăn hoặc dợn sóng ởphần dưới của cơ thể”. Lông ở vai và chân sau của Angora dài hơn nhiều so với mèo Ba Tư – đặc điểm mà Bell coi là một sự cải tiến tuyệt vời. Tuy nhiên, Bell nói rằng Angora “thất bại trước mèo Ba Tư” vì chúng có phần mõm nhô ra phía trước còn mặt mèo Ba Tư lại tròn, mõm ngắn.
Bell cũng lưu ý rằng Angora và mèo Ba Tư đã được lai giống, dẫn đến sự cải thiện chọn lọc cho từng giống, nhưng bà tuyên bố rằng mèo lông dài năm 1909 có ảnh hưởng từ mèo Ba Tư nhiều hơn Angora.
Bà cũng than thở rằng những người yêu mèo ở Anh không phân biệt rõ ràng các giống mèo lông dài khác nhau, họ đã nhóm chúng thành một nhóm “Mèo Lông dài” vào năm 1887.
Mèo Ba Tư truyền thống
Mèo Ba Tư truyền thống hay còn gọi là mèo Ba Tư mặt búp bê, là những cái tên gần đây dành cho giống Ba Tư nguyên bản, không được phát triển các đặc điểm cực đoan.
Khi nhiều nhà nhân giống ở Mỹ, Đức, Ý và các nơi khác trên thế giới bắt đầu diễn giải tiêu chuẩn Ba Tư theo cách khác nhau, họ đã phát triển đặc điểm mũi dẹt của loài chó Bắc Kinh mà không thay đổi tên “mèo Ba Tư”. Một số tổ chức, bao gồm Hiệp Hội Những Người Yêu Thích Mèo (CFA), coi loại kiểu mặt chó Bắc Kinh là tiêu chuẩn hiện nay cho giống mèo Ba Tư. Do đó, từ khái niệm mèo Ba Tư truyền thống được tạo ra để chỉ chủng nguyên bản hiện vẫn được nhân giống, giống như giống mèo Xiêm nguyên bản được gọi là mèo Xiêm truyền thống hoặc mèo Thái Lan truyền thống, để phân biệt với giống hiện đại “mèo Xiêm”.
Không phải tất cả các tổ chức đều công nhận hoặc đặt tên cho mèo Ba Tư truyền thống. Tiêu chuẩn của TICA có một điều khoản tiêu chuẩn không dành cho chủng mặt dẹt.
Mặt dẹt Bắc Kinh và ultra-typing
Vào cuối những năm 1950, một sự đột biến tự phát ở giống mèo Ba Tư đỏ và đỏ tabby đã tạo ra giống Ba Tư “mặt dẹt Bắc Kinh”, được đặt theo tên của giống chó Bắc Kinh mặt dẹt. Nó đã được đăng ký như là một giống riêng trong CFA, nhưng đã không còn được ưa chuộng vào giữa những năm 1990 do các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; chỉ có 98 con được đăng ký từ năm 1958 đến năm 1995. Mặc dù vậy, các nhà nhân giống rất thích và bắt đầu nhân giống theo đặc điểm này. Việc nhấn mạnh quá mức các đặc điểm của giống bằng cách nhân giống chọn lọc (được gọi là extreme-typing hoặc ultra-typing) tạo ra kết quả giống mèo Ba Tư mẹt dẹt Bắc Kinh. Thuật ngữ mặt mặt dẹt Bắc Kinh đã được sử dụng để chỉ những cá thể mèo Ba Tư ultra-typing đỏ và đỏ taby mang đột biến. Nhiều người yêu thích mèo và giám khảo CFA coi sự thay đổi này là “sự đóng góp cho giống”.
Năm 1958, nhà nhân giống và tác giả P. M. Soderberg đã viết trong cuốn Pedigree Cats, Their Varieties, breeding and Exhibition như sau:
“Trong thời gian gần đây, tồn tại xu hướng nhấn mạnh quá mức kiểu mặt ngắn này, dẫn đến kết quả là một vài con mèo ở một số cuộc thi có kiểu khuôn mặt dẹt Bắc Kinh này. Đây là kiểu khuôn mặt chắc chắn được công nhận tại Mỹ và giúp thành lập một nhóm đặc biệt khi phân loại giống Ba Tư ở các cuộc thi. Khi khuôn mặt trở nên quá ngắn, chắc chắn sẽ tồn tại một số nhược điểm vì sự phóng đại này sẽ làm biến dạng tuyến lệ và chúng sẽ bị chảy nước mắt thường xuyên hơn. Khi chảy quá nhiều nước mắt, diện mạo của chúng sẽ bị ảnh hưởng lông ở hai bên mũi bị ố.Mũi ngắn là đặc điểm được khuyến khích, nhưng mũi không quá ngắn và hếch là sự kết hợp tuyệt hảo. Mũi của giống mặt dẹt này nhìn khá kỳ cục, không hấp dẫn, và có nguy cơ khiến chúng chảy nước mắt.”
Mặc dù ngoại hình của mèo Ba Tư có thay đổi, tiêu chuẩn của Hội đồng Mèo Ba Tư đối với giống này về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Tiêu chuẩn giống của Ba Tư, về bản chất có phần hơi mở và tập trung vào đặc điểm đầu tròn, đôi mắt to tròn, đỉnh mũi dẹt, bằng với đáy mắt. Theo tiêu chuẩn,chúng có cơ thể ngắn, rắn chắc với đôi chân ngắn, xương chắc, ngực rộng và dáng tròn, tất cả các đặc điểm lý tưởng của mèo Ba Tư lý đều “tròn”. Mãi đến cuối những năm 1980, các tiêu chuẩn đã được thay đổi để hạn chế sự phát triển của các đặc điểm ngoại hình cực đoan. Vào năm 2004, tuyên chuẩn bổ sung rằng mõm không được nhô ra quá mức. Tiêu chuẩn đã được thay đổi một lần nữa vào năm 2007, bổ sung thêm điều khoản trán, mũi và cằm phải có độ cao bằng nhau.
Ở Anh, tiêu chuẩn đã được Governing Council of the Cat Fancy (GCCF)thay đổi vào những năm 1990 để loại bỏ những cá thể mèo Ba Tư có “phần da mũi nhô cao hơn mép dưới của mắt” khỏi danh sách Chứng nhận hoặc tước Giải nhất của Kitten Open Classes.
Trong khi những con mèo ultra-typing có ưu thế khi thi đấu, công chúng dường như thích các kiểu “mặt búp bê” hơn.
Các biến chủng
Mèo Himalaya
Vào năm 1950, mèo Xiêm đã được lai với mèo Ba Tư để tạo ra một giống có cơ thể của mèo Ba Tư và màu lông của mèo Xiêm. Giống này được đặt tên là Himalaya, giống tên các loài động vật có màu lông colorpoint khác như thỏ Himalaya. Ở Anh, giống mèo này được công nhận là Mèo lông dài Colorpoint. Himalaya là một giống riêng biệt ở Mỹ cho đến năm 1984, khi CFA sáp nhập nó với mèo Ba Tư, mặc dù bị hội đồng giống của cả hai giống phản đối. Một số nhà nhân giống mèo Ba Tư không hài lòng với việc sáp nhập giống lai này vào dòng mèo Ba Tư “thuần chủng” của họ.
CFA đã thiết lập đăng ký cho mèo Hymalaya theo cách mà các nhà nhân giống có thể phân biệt chúng với mèo Ba Tư chỉ bằng cách nhìn vào số đăng ký phả hệ. Việc này giúp các nhà nhân giống phân biệt được những cá thể Himalaya, ngay cả khi gen màu lông Colorpoint là gen lặn. Những con mèo Ba Tư có tổ tiên là mèo Himalaya có số đăng ký bắt đầu bằng số 3 và thường được các nhà nhân giống gọi là mèo mang gen colorpoint (CPC) hoặc mèo 3000-series, mặc dù không phải mọi cá thể đều mang gen lặn nàyy. Mèo Xiêm là khởi nguồn cho màu lông sô cô la và tím hoa cà ở mèo Ba Tư.
Mèo Exotic lông ngắn
Mèo Ba Tư đã được một số nhà nhân giống mèo Mỹ lông ngắn (ASH) bí mật sử dụng vào cuối những năm 1950 để “cải thiện” giống mèo của họ. Ngoại hình sau khi lai tạo được công nhận ở các cuộc thi, nhưng các nhà nhân giống khác không hài lòng với những thay đổi đã tạo nên tiêu chuẩn giống mới sẽ loại bỏ ASH có dấu hiệu lai tạo.
Một nhà nhân giống ASH đã nhận thấy tiềm năng của con lai giữa mèo Ba Tư và ASH, đã đề xuất, và cuối cùng đã thành công khi CFA công nhận chúng là một giống mới vào năm 1966, dưới cái tên Exotic lông ngắn. Việc lai xa thường xuyên với mèo Ba Tư đã khiến Exotic lông ngắn ngày nay giống với mèo Ba Tư về mọi mặt, bao gồm cả tập tính và hình thể, ngoại trừ bộ lông dày và ngắn của chúng. Nó thậm chí đã thừa hưởng cả các vấn đề sức khỏe của mèo Ba Tư. Việc chăm sóc lông cho giống mèo này đơn giản hơn so với mèo Ba Tư, nên Exotic lông ngắn được coi là “mèo Ba Tư của những người lười”.
Do việc sử dụng thường xuyên mèo Ba Tư để lai giống, một số cá thể Exotic có thể mang gen lông dài. Khi hai con mèo như vậy giao phối, có 25% con con sẽ là lông dài. CFA không công nhận Exotic lông dàilà mèo Ba Tư, trong khi đó,chúng được Hiệp Hội Mèo Quốc Tế chấp nhận. Các hiệp hội khác cũng công nhận chúng như một giống Exotic lông dài riêng biệt.
Mèo Chinchilla lông dài và mèo Sterling
Ở Mỹ, có những ý kiến cho rằng mèo Ba Tư màu bạc nên được phân thành một giống riêng, gọi là Sterling, nhưng ý kiến này không được chấp nhận. CFA công nhận những con mèo Ba Tư bạc và vàng. Ở Nam Phi, ý kiến này đã phần nào được chấp nhận: Hội Đồng Mèo Nam Phi (SACC) chấp nhận đăng ký mèo với năm thế hệ Chinchilla thuần chủng là Chinchilla lông dài. Chinchilla lông dài có chiếc mũi dài hơn một chút so với mèo Ba Tư, do đó, chúng có thể thở thoải mái hơn và ít chảy nước mắt. Lông của nó có màu trắng, có màu đen ở phần ngọn lông, một đặc điểm sẽ bị mất khi lai với những con mèo Ba Tư màu khác. Việc lai với giống khác cũng có thể dẫn đến mất viền mũi và môi, và đó được coi là một lỗi trong tiêu chuẩn giống Chinchilla lông dài. Một trong những điểm khác biệt của giống mèo này là chúng có mắt màu xanh ngọc hoặc xanh lục chỉ, còn mắt của mèo con có màu xanh dương hoặc xanh pha tím.
Mức độ phổ biến
Năm 2008, mèo Ba Tư là giống mèo phổ biến nhất ở Mỹ. Ở Anh, số lượng đăng ký đã giảm dần kể từ đầu những năm 1990 và vào năm 2001, mèo Ba Tư mất vị trí đứng đầu vào tay mèo Anh lông ngắn. Tính đến năm 2012, mèo Ba Tư là giống mèo phổ biến thứ 6, sau mèo Anh lông ngắn, Ragdoll, mèo Xiêm, Maine Coon và Burmese (mèo Miến Điện). Ở Pháp, mèo Ba Tư là giống duy nhất có số lượng đăng ký giảm trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2007, giảm hơn một phần tư.
Theo dữ liệu đăng ký CFA, các màu lông phổ biến nhất là Himalaya màu seal point, blue point, flame point and tortie point, tiếp theo là màu đen trắng, bạc mờ và tam thể.
Phân loại
Các tổ chức yêu mèo khác nhau có thể coi Himalaya và Exotic lông ngắn là các biến chủng của mèo Ba Tư, hoặc là các giống riêng biệt. Hiệp Hội Những Người Yêu Mèo (CFA) coi mèo Himalaya chỉ là một kiểu hoa văn màu của cả mèo Ba Tư và mèo Exotic – hai giống có các tiêu chuẩn riêng biệt nhưng gần như giống hệt nhau (khác nhau về chiều dài lông). Fédération Internationale Féline (FIFe) hoàn toàn đồng ý Himalaya chỉ là một màu lông khác của mèo Ba Tư và Exotic và hai giống này được coi là hai giống riêng biệt. Hiệp Hội Mèo Quốc Tế (TICA) coi cả hai là biến chủng của mèo Ba Tư. Liên Đoàn Mèo Thế Giới (WCF) coi mèo Ba Tư và Exotic là hai giống riêng biệt và Himalaya chỉ là màu lông khác của cả hai giống.
Trong số các tổ chức khu vực và quốc gia, Liên Đoàn Mèo Châu Âu coi cả ba là các giống riêng biệt. Hiệp hội Những NgườiYêu Mèo của Mỹ (ACFA) coi ba giống là các giống riêng biệt (kể cả những con Himalaya không có màu colorpoint). Liên Đoàn Mèo Úc (AFC) tuân theo thông lệ của FIFe. Liên Đoàn Mèo Canada (CCA-AFC) coi chúng là ba giống riêng biệt và thậm chí còn có các giống phụ là Exotic lông dài và Himalaya không có màu colorpoint.Governing Council of the Cat Fancy (Anh) (GCCF) cũng vậy.
Đặc điểm
Mèo Ba Tư quy chuẩn theo các cuộc thi sẽ có bộ lông cực dài và dày, chân ngắn, đầu rộng với đôi tai cách xa nhau, đôi mắt to và mõm cực ngắn. Giống này ban đầu có mõm ngắn, nhưng theo thời gian, đặc điểm này đã trở nên cực kỳ cường điệu, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Lông của mèo Ba Tư có đủ màu và hoa văn.
Mèo Ba Tư thường được mô tả là một con mèo yên tĩnh. Vì bản tính yên tĩnh, nó thích nghi khá tốt với cuộc sống căn hộ. Mèo Himalaya có xu hướng nhanh nhẹn hơn do có đặc điểm của mèo Xiêm. Trong cuộc nghiên cứu so sánh nhận thức của chủ về mèo của họ, mèo Ba Tư được đánh giá cao hơn so các giống mèo không thuần chủng về sự gần gũi và tình cảm với chủ, thân thiện với người lạ, sạch sẽ, tiên đoán, tiếng kêu và mức độ rối rít khi thấy thức ăn.
Màu sắc
Theo tiêu chuẩn giống của hầu hết các tổ chức, mèo Ba Tư có thể có tất cả các màu và hoa văn của mèo.
Hiệp Hội Những Người Yêu Mèo (CFA) của Mỹ chia giống này thành bốn nhóm lông: một màu, bạc và vàng (bao gồm biến chủng Chinchilla và shaded, và các biến thể xanh), shaded và khói (mỗi loại có vài biến thể khác và kiểu hình thứ ba được gọi là shell), tabby (classic, mackerel, và patched [spotted],với nhiều màu sắc khác nhau), màu parti (bốn lớp:tortoiseshell, blue-cream, chocolate tortie, lilac-cream, pha trộn với các màu khác), tam thể và nhị thể (trong khoảng 40 biến thể, được phân loại rộng rãi là tam thể, tam thể nhạt và nhị thể), và Himalaya (lông màu trắng hoặc nâu vàng nhạt, có colorpoint ở đầu , đuôi và tay chân với các sắc thái màu khác nhau). Màu cơ bản của CFA là trắng, đen, xanh, đỏ, kem, sô cô la và màu hoa cà. CFA công nhận khoảng 140 hoa văn lông đối với mèo Himalaya và 20 kiểu cho giống phụ của Himalaya. Những kiểu này bao gồm hầu hết các mẫu được CFA công nhận cho mèo nói chung. Vì TICA có hệ thống tiêu chuẩn chi tiết hơn, những cá thể mèo Ba Tư hợp lệ với tiêu chuẩn của TICA có thể sẽ được CFA chấp nhận với một cái tên chung hơn, mặc dù các tổ chức không công nhận chéo khi đã đăng ký ở tổ chức khác.
Chúng có thể có nhiều màu mắt, bao gồm xanh dương, đồng, mắt hai màu xanh và đồng, xanh lá cây, xanh dương pha lục và nâu nhạt. Một vài màu lông đi kèm với màu mắt cụ thể.
Sức khỏe
Dữ liệu bảo hiểm thú cưng từ Thụy Điển công bố tuổi thọ trung bình của mèo nhóm Ba Tư (Ba Tư, Chinchilla, Himalaya và Exotic) chỉ trên 12 năm rưỡi. 76% sống đến 10 năm trở lên và 52% sống đến 12 năm rưỡi trở lên. Dữ liệu phòng khám thú y ở Anh cho thấy tuổi thọ trung bình là của giống này vào khoảng 12 – 17 năm, trung bình là 14,1 năm.
Bệnh thận đa nang (PKD) gây suy thận ở mèo trưởng thành, mèo Ba Tư có tỷ lệ mắc vào khoảng 36 – 49. Những giống mèo được lai tạo, như mèo Anh lông ngắn và Himalaya đặc biệt dễ bị bệnh thận đa nang (ADPKD). U nang phát triển trong thận, thay thế các mô thận và khiến thận to lên. Suy thận phát triển khá muộn, trung bình là vào khoảng 7 tuổi (từ 3 đến 10 tuổi). Các triệu chứng bao gồm uống nước và đi tiểu nhiều, giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân và trầm cảm. Căn bệnh này có tính trội tự phát và sàng lọc DNA là phương pháp thích hợp để loại bỏ genbệnh. Nhờ xét nghiệm DNA, hầu hết các nhà nhân giống mèo Ba Tư có trách nhiệm hiện nay đều có những con mèo không còn mang gen PKD, do đó con của chúng cũng không có gen này. Trước khi biện pháp sàng lọc DNA tồn tại, siêu âm là biện pháp được sử dụng khi đó. Tuy nhiên, siêu âm chỉ vào thời kỳ đó và nhiều con mèo đã bị chẩn đoán sót khi chúng mang gen PKD. Chỉ khi sàng lọc DNA và nhân giống mèo âm tính với gen PKD mới tạo ra mèo con âm tính với gen, loại bỏ hiệu quả gen này khỏi nhóm mèo giống.
Bệnh cơ phì đại tim (HCM) là một bệnh tim phổ biến ở tất cả các giống mèo. Nó có khả năng di truyền ở mèo Ba Tư. Bệnh làm dày thành buồng tim trái, trong một số trường hợp, có thể dẫn đến tử vong đột ngột. Nó có xu hướng ảnh hưởng đến những cá thể đực, trung niên và mèo già. Tỷ lệ mắc bệnh ở mèo Ba Tư là 6,5%. Không giống như PKD, bệnh này có thể được phát hiện ngay cả ở những con mèo còn rất nhỏ, vì vậy, các biện pháp xét nghiệm HCM phải được thực hiện thường xuyên để theo dõi và loại bỏ những cá thể bị ảnh hưởng và con của chúng khỏi nhóm mèo giống.
Bệnh teo võng mạc tiến triển sớm là một bệnh thoái hóa mắt di truyền mang tính lặn tự phát ở mèo Ba Tư. Mặc dù một số nhà nhân giống tin rằng căn bệnh này chỉ xuất hiện ở các dòng màu sô cô la và Himalaya, nhưng không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa màu lông của mèo Ba Tư và sự phát triển của PRA. Ung thư biểu mô tế bào đáy là căn bệnh ung thư da thường xuất hiện ở đầu, lưng hoặc ngực. Mặc dù căn bệnh này thường lành tính, những trường hợp ác tính hiếm gặp có xu hướng xuất hiện ở mèo Ba Tư. Mèo Ba Tư màu xanh khói dễ mắc hội chứng Chédiak-Higashi. Mèo trắng, bao gồm cả mèo Ba Tư trắng, dễ bị điếc, đặc biệt là những cá thể mắt xanh. Mèo Ba Tư dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc trị giun đũa Griseofulvin.
Cũng như ở chó, chứng loạn sản xương hông ảnh hưởng đến các giống lớn hơn, chẳng hạn như Maine Coon và Ba Tư. Tuy nhiên, những giống nhỏ không vẫn có thể bị ảnh hưởng. Mèo Ba Tư dễ bị sai khớp cắn, có thể ảnh hưởng đến khả năng cắn, giữ và nhai thức ăn của chúng. Ngay cả khi không bị sai khớp cắn, khuôn mặt dẹt của mèo Ba Tư có thể khiến việc lấy thức ăn trở nên khó khăn, đến nỗi các công ty thức ăn cho thú cưng phải tạo ra những chiếc bát ăn có hình dạng đặc để hỗ trợ chúng.
Da liễu -tuyến bã nhờn nguyên phát, viêm thành mắt tự phát, viêm da cơ địa (giun đũa), Viêm mủ da mặt, viêm da mặt tự phát (hội chứng mặt bẩn), nhiều u nang ở biểu mô (mí mắt)
Mắt – tật khuyết võng mạc, nghẽn kênh dẫn nước mắt, u xơ giác mạc, đục thủy tinh thể bẩm sinh
Tiết niệu – sỏi tiết niệu canxi oxalate (bệnh đường tiết niệu dưới)
Sinh sản -tinh hoàn lạc chỗ
Tim mạch – thoát vị màng ngoài tim
Miễn dịch – lupus ban đỏ hệ thống
Thần kinh – alpha-mannosidosis (triệu chứng rối loạn lưu trữ lysosome)
Neoplastic – ung thư biểu mô tế bào đáy, u tuyến bã
Chảy nước mắt nhiều quá mức
Các bệnh về mắt như chứng mộng mắt
Nhạy cảm với nhiệt độ cao
Dễ bị nhiễm giun đũa, nhiễm nấm
Mặc dù những vấn đề sức khỏe này khá phổ biến, nhiều cá thể mèo Ba Tư không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ vấn đề nào trong số này.
Chăm sóc lông
Vì mèo Ba Tư có bộ lông dài và rậm mà chúng không thể làm sạch một cách hiệu quả, chúng cần được chải lông thường xuyên để tránh bị bết lông. Để giữ cho bộ lông của chúng ở trạng thái tốt nhất, chúng phải được chải thường xuyên. Một cách giải quyết khác là cạo lông. Mắt của chúng có cần được làm sạch thường xuyên để ngăn chặn sự tích tụ rỉ mắt và nước mắt.
Mèo Ba Tư trong nghệ thuật
Thế giới nghệ thuật và những người bảo trợ của nó từ lâu đã chấp nhận tình yêu của họ dành cho mèo Ba Tư bằng cách bất tử hóa chúng trong nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật có kích thước 6 x 8,5 feet, được coi là bức tranh mèo lớn nhất thế giới, được bán đấu giá với giá hơn 820.000 đô la. Bức vẽ sơn dầu cuối thế kỷ 19 có tên là “My Wife’s lover” (Người tình của vợ tôi), từng thuộc về một nhà từ thiện giàu có, người đã ủy thác cho một nghệ sĩ vẽ bức tranh khổng lồ về những chú mèo Angora và mèo Ba Tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Các bức tranh vẽ mèo Ba Tư nổi tiếng khác bao gồm “White Persian Cat” (Mèo Ba Tư Trắng) của nghệ sĩ dân gian nổi tiếng Warren Kimble và “Two White Persian Cats Looking into a Goldfish Bowl”(Hai chú mèo Ba Tư Trắng nhìn vào bát cá vàng) của họa sĩ vẽ chân dung mèo Arthur Heyer. Giống mèo Ba Tư yêu quý đã được khắc họa trên những con tem khắp thế giới.