Lí do biết đến văn hào Natsume Soseki với mình thì y xì như cách mình biết đến Dazai Osamu, qua manga và anime Bungou Stray Dogs (mà trên thực tế là rất cảm ơn Bungou Stray Dogs vì đưa mình đến với rất nhiều tác giả và tác phẩm kinh điển hay ho).
“Tôi là con mèo” là một cuốn sách rất thú vị. Cuốn sách được viết dưới góc nhìn một chú mèo. Chú mèo này ban đầu là một chú mèo hoang, sau đó thì vô tình nương nhờ và được nhận nuôi trong nhà một ông giáo nghèo.
Nếu chỉ có vậy thì cuốn sách này thật sự chả có gì đáng để bàn luận. Nhưng chính là từ những tình huống dung dị ấy, tác giả tài tình nêu ra những vấn đề thời thượng để bàn luận. Rồi từ những vấn đề mang tính chất thời sự nóng hổi (dù là có qua bao nhiêu năm đi chăng nữa thì những vấn đề mà tác giả nêu ra vẫn chẳng cũ, đọc nhiều đoạn phải đọc lại đến hai ba lần và không thể không vỗ đùi khen hay và tâm đắc), bằng những lời trào phúng của một con mèo, làm cho độc giả phải bật cười thích thú và chiêm nghiệm ra nhiều điều hay ho.
Ông giáo nghèo, chủ của chú mèo nhân vật chính là Kushami. Nếu ông ta chỉ là một ông giáo ngày đi dạy, tối về quây quần bên vợ con thì ông ta thực sự rất bình thường, bình thường đến vô vị. (mà vô vị thì chưa bao giờ là chất liệu văn chương, nhỉ?). Thật sự là không biết nên thích thú hay mỉa mai mà ông giáo Kushami lại là một ông giáo không bình thường (bất thường hay phi thường thì ai mà biết được ^^).
Ông ta là một người gàn dở, nửa vời, nhiều tật xấu, và hơn cả là một học giả không đến nơi đến chốn.
Đó là một ông giáo mắc chứng bệnh dạ dày. Lại phải cái tính cáu bẩn, hay nổi nóng, ai nói cũng tin,… Nói ông ta là kẻ vô học cũng đúng mà nói ông ta là một đầu đầy tri thức cũng không sai. Ông giáo Kushami ấy, là loại người kì lạ thế kia đấy. Và có lẽ vì tất cả những điều không được bình thường kia, ông giáo nghèo nọ mới giang tay đón nhận chú mèo hoang nhân vật chính. Cũng nhờ ơn điều đó mà chúng ta mới có cuốn sách này chăng? (ai mà biết được ~~)
Kushami không bình thường, cho nên bạn bè, những người thân thiết xung quanh của ông ta cũng không thể nào bình thường được. Đó là tay Meitei cà lơ phất phơ, anh học giả Kangetsu với mớ lý thuyết gàn dở, anh Tofu cuồng si đến rồ dại vì nghệ thuật, hay tay triết gia Dokusen suốt ngày huyên thuyên về thiền…
Câu chuyện chỉ gói ghém chủ yếu trong căn nhà của ông giáo Kushami, đôi lúc là cả những nơi xung quanh, như cái trường Lạc Vân Quán cách đó không xa, nhà bà thầy dạy đàn có chú mèo xinh đẹp tên Tam Mao, nhà hàng xe với anh mèo đen, hay nhà Kaneda ở cuối ngõ…
Những tình huống cũng rất dung dị và đời thường. Nhưng sự hài hước đen xen trong từng câu, từng chữ thì không chỉ làm độc giả phì cười, còn làm người ta thán phục và trầm trồ.
Qua tác phẩm đầu tay này, không ai có thể phủ nhận Natsume Soseki là một nhà văn đại tài. Kiến thức của văn hào này vô cùng sâu sắc và phong phú. Vốn hiểu biết ấy trải dài từ văn hóa phương Đông đến tận văn hóa phương Tây. Mà trên hết, chỉ như thế thì chưa đủ, cái làm nên tên tuổi của Natsume Soseki là cách ông đem sự phong phú về hiểu biết của mình gài vào từng con chữ, và những tình huống hài hước, đời thường, qua cách nhìn của một con mèo.
Hình tượng chú mèo xây dựng rất thú vị, cũng rất hợp lý. Có lúc mình đã nghĩ, nếu như không phải là một con mèo, mà là một con người kể chuyện thì sẽ như thế nào. Nhưng nghĩ như thế nào cũng cảm thấy không hợp.
Nếu, qua mắt nhìn của một con người, thì những cuộc hội thoại của những tay mơ nhàn rỗi trong căn nhà tồi tàn của tay giáo Kushami sẽ không còn mang tính hài hước. Có lẽ nó vẫn sẽ đầy tính dèm pha, mỉa mai. Nhưng lại thiếu đi sự tinh tế, sâu sắc và chỉ mang tính chất chủ quan.
Qua lăng kính của một con mèo, người ta sẽ bật cười vì sự cố tỏ vẻ của những tên ngốc, người ta sẽ ồ à vì những triết lý mà sau khi quan sát chú mèo rút ra. Qua lăng kính con người, có lẽ vẫn vậy, nhưng sự một phía, sự chủ quan sẽ làm cho câu chuyện sặc mùi soi mói, mất đi cái hay và cái tài của tác giả, cũng như tác phẩm.
Bản tính của loài mèo vốn dĩ rất cao sang, và có chút chảnh chọe. Là một con mèo lại được nuôi bởi một người chủ “sáng nắng, chiều mưa, trưa ẩm ướt”, chú mèo nhân vật chính (thật ra thì mình cũng muốn gọi ngắn đi lắm, nhưng chú ấy lại không có tên) có một vẻ hạnh họe rất hay.
Một chú mèo luôn khẳng định ta đây có tri thức. Một chú mèo mà xả thân làm việc anh hùng, còn thử ăn bánh zoni. Một chú mèo như vậy không khỏi làm người ta bật người vì sự ngộ nghĩnh của chú ấy.
Tóm lại, “Tôi là con mèo” là một tác phẩm không chỉ mang tính hài hước, còn mang đầy tính nhân văn, trào phúng và triết lý. Với tác phẩm đầu tay này, độc giả dễ dàng nhận ra rằng Natsume Soseki là một văn hào không chỉ có tài nghệ kể chuyện, bút pháp hay ho mà còn là một nhân vật có học thức uyên thâm.
Chỉ có một hạn chế duy nhất đối với người đọc là mình, rằng mình chưa hiểu rõ lắm về văn hóa Nhật Bản, cũng không biết tiếng Nhật, nên phần nào đó chưa thấm được hoàn toàn cái hay của câu chuyện.
Ở phần lời của dịch giả, dịch giả đã ví người Nhật thưởng thức “Tôi là con mèo” của tác giả Natsume Soseki như người Việt Nam thưởng thức “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Chỉ một câu so sánh như này, cũng đủ biết rằng “Tôi là con mèo” có giá trị như thế nào đối với văn hóa Nhật Bản.
Một trong những câu nói mà mình vẫn luôn cho là đúng, rằng “dịch là diệt”. Thật ra, không phải mình bài xích dịch giả, dịch phẩm. Chỉ là mỗi ngôn ngữ đều có cái hay riêng biệt và mang tính chất đặc trưng mà không một ngôn ngữ nào có thể mô phỏng lại được.
Dịch giả Bùi Thị Loan cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng có nhiều điểm hay ho về từ ngữ, ngữ pháp ở bản tiếng nhật mà người dịch không thể hoàn toàn truyền tải. Cho nên, mình vẫn thật sự muốn một lần có khả năng đọc được “Tôi là con mèo” bằng thứ ngôn ngữ do chính tác giả viết ra.
Mình mất khá nhiều thời gian để đọc xong cuốn sách này. Và mình thực sự chẳng thấy phí phạm chút nào sau khi hoàn thành xong tất cả. Cũng như “Tà dương” của Dazai Osamu, chắc chắn mình sẽ lại đọc nó khi mình đủ trải nghiệm và khả năng hơn. Lúc đó, hy vọng rằng, sẽ chiêm nghiệm được nhiều điều hay ho hơn nữa.
Chắc chắn một điều, các bạn sẽ chiêm nghiệm ra được nhiều thứ hay ho và bổ ích ^^
Huế, ngày 10 tháng 07 năm 2019 Hôm nay cũng là một ngày nóng chảy mỡ T_T