Tựa gốc: 옥탑방고양이
Tác giả: 김유리
Truyện nói lên quan điểm của tác giả đối với việc nam nữ sống chung trước hôn nhân. Nếu điều này xảy ra ở phương Tây thì chẳng có gì quan trọng, nhưng điều đáng nói ở đây là nó xảy ra ở Hàn Quốc, nơi vẫn còn nhiều tư tưởng phong kiến.
Truyện đã được xuất bản cách đây hơn 10 năm. Có lẽ đất nước Hàn Quốc hiện đại ngày nay không còn có cái nhìn khắc khe đối với vấn đề này nữa, song câu chuyện vẫn có nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Xin giới thiệu với các bạn 2 phần được Maroon trích dịch từ bộ truyện này.
Một chú thích nho nhỏ: Nhân vật chính là một cô gái bình thường, cô có nuôi một “con mèo”, nên đương nhiên cô trở thành “cô chủ” của con mèo. Nói vui thôi! Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng, chỉ dùng đại từ nhân xưng, và các danh xưng này đều xoay quanh nhân vật “cô chủ”.
Lời nói đầu
Đối với những lời bêu rếu, nói xấu, chê bai và chửi rủa khi chưa kết hôn mà đã sống chung với bạn trai, tôi đều mắt điếc tai ngơ, vờ như không có việc gì cả. Nhưng giờ thì tôi ngày càng mệt mỏi và đuối sức rồi.
Tôi – cái người đã từng lớn tiếng nói: “Hai người vì yêu nhau mà sống chung với nhau thì có gì là sai” – đang càng ngày càng trở nên nhỏ bé, càng không biết lòng “tự tin” và “kiêu ngạo” lúc đầu của mình đã biến đi đâu hết.
Mấy hôm trước, tôi tình cờ gặp lại một người bạn hồi tiểu học đã mười năm không gặp, ngay cả tên tôi mà cậu ta cũng không nhớ nổi, vậy mà sau khi thăm hỏi đôi ba câu cậu ta vẫn không quên khuyên tôi một câu vô cùng nghiêm túc.
Bạn tiểu học: Cậu nên đi đăng ký kết hôn nhanh đi, đến giờ sao còn chưa thực hiện nghĩa vụ?
Tên khốn kiếp! Đồ biến thái hồi tiểu học chuyên rình rập nhìn trộm nhà vệ sinh nữ. Tôi đưa bàn tay – lúc đó vốn định dùng để chọt vô con mắt cậu ta – vỗ vỗ lên mặt cậu ta, ném cho cậu ta một câu.
Cô chủ: Cậu nên ngẫm lại bản thân xem. Cậu đã có cống hiến gì cho loài người chưa mà nói?
Trong bộ phim 《Chocolat》, Juliette Binoche đã nói với người đàn ông gọi mình là phu nhân rằng: “Đừng gọi tôi phu nhân, tôi vẫn chưa kết hôn.”
Lúc đó tôi vô cùng kinh ngạc, bởi vì người phụ nữ đơn thân nuôi con gái kia, lúc nói ra câu này lại mỉm cười rất thoải mái, vẻ mặt không hề hoang mang. Đối diện với vẻ mặt bình thản ung dung của chị ấy, đối diện với nụ cười hạnh phúc dù không có chồng của chị ấy, câu nói “Sao cô không lấy chồng?” kia bỗng trở nên vô nghĩa. Không ai có thể thốt ra câu nói đó.
Thế nhưng, giả sử ở Hàn Quốc có một người phụ nữ chưa kết hôn lại có một đứa con gái, thì sẽ như thế nào? Tôi dám cược 3000 won (-_-+ đây là giá mua ba con thu ở chợ) rằng bất luận cô ấy đi tới đâu, đều sẽ có người bám lấy hỏi không ngừng “Sao cô không lấy chồng?”
Các anh các chị hỏi cái này để làm gì? Biết rồi thì có ích lợi gì? Cái đó có khác gì truy vấn người ta “sao anh/chị lại mặc quần sịp mà không mặc quần đùi” không?
Nhưng mà tôi thừa nhận, hai loại quần lót đó có hình dạng khác nhau.
Thế nhưng đừng quên, chọn quần lót kiểu nào và hoàn thành hay không hoàn thành cái gọi là “nghĩa vụ không thể tránh né của một thành viên trong xã hội – là kết hôn”, tuyệt đối là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Nhưng bọn họ lại đưa ra cái lý luận “giá trị” gì đó, thao thao bất tuyệt cái gì là “giá trị của người đã kết hôn và người không kết hôn”, chẳng khác nào nói “giá trị của người mặc quần sịp và người mặc quần đùi”, … thế này thế nọ, ba lăng nhăng bốn lít nhít, mặc kệ là nghĩa vụ hay là giá trị, nói tóm lại —— những câu nói khó hiểu như vậy, làm ơn đừng có nói nữa!
Trong Hiến Pháp của Hàn quốc có quy định nghĩa vụ nộp thuế theo pháp luật, nhưng đâu có quy định nghĩa vụ kết hôn, cũng đâu có quy định nam nữ sống chung với nhau phải có nghĩa vụ đi đăng ký tổ chức hôn lễ.
Bọn họ có tư cách gì mà chất vấn người ta?
Bọn họ dựa vào cái gì? Căn cứ nào? Bọn họ hiểu được thế nào là nghĩa vụ của con người không? Những người mà ngay cả tổ tiên của nhân loại là “Adam” hay là “Homo sapiens”(*) mà còn không phân biệt được, lại dám mạnh miệng nói đến nghĩa vụ của nhân loại trên thế giới gì gì sao?
(*) Người thông minh, tên khoa học của người hiện đại
Bội phục! Thật quá giỏi.
Trong tư tưởng thâm căn cố đế của người Hàn Quốc, ai không giống với số đông thì chính là kẻ lập dị. Mọi người không tiếc lời chỉ trích, lên mặt dạy đời những người có cách sống khác mình. Điều làm tôi kinh ngạc chính là, những người xem việc đó là quan trọng trong cuộc sống lại nhiều đến như vậy.
Tôi lại hỏi thêm một câu, trong Bộ luật có quy định không thể chung sống nếu chưa kết hôn không?
Nếu quả thật quy định như thế, tôi không còn lời nào để nói.
Báo cảnh sát đi! Bắt tôi đi! Gọi cảnh ~~~~~~ sát~~~ đê! ! !
“Con gái ông ta ra ngoài sống chung với bồ rồi!”
“Thật mất mặt mọi người trong xóm!”
“Ôi trời, còn là một tín đồ cơ đốc giáo nữa chứ, thật quá mất mặt!”
Có điều…
May mắn là, so với mấy câu chuyện nhàm chán đó, thì những chuyện xung quanh tôi lại thú vị hơn nhiều, mặc kệ những người này đã từng để lại cho tôi những ký ức tồi tệ đến mức nào, tôi vẫn có thể tươi cười đối mặt.
Cho dù những lời thành kiến có đập thẳng vào mặt, hay là những lời chỉ trích tôi phá vỡ truyền thống quy tắc thông thường, tôi chỉ muốn nói một câu—— tôi cảm thấy các anh các chị các cô các chú rất thú vị.
Tôi có thể mỉm cười đối diện với bọn họ, đồng thời trong tay còn nắm chặt một hòn đá để chuẩn bị đánh người.
Phụ nữ “Busan” chuyện gì cũng có thể làm… Nếu mà có chút năng lực khác thường nào, thì tôi còn có thể chinh phục cả thế giới ấy chứ.
KHÚC NHẠC DẠO
Chuyện xảy ra hồi cấp hai, à không, phải nói là hồi năm lớp hai.
Hôm đó, cũng giống như mọi ngày, để có thể kịp chạy tới trường trước tám giờ (lúc đó đã tám giờ rưỡi), tôi vội vội vàng vàng vừa định chạy ra khỏi phòng khách, thì ba tôi – lúc đó đang đọc báo – đột nhiên quăng ra một câu.
Ba (mặt lạnh như tiền lật trang báo): Ngày mai con chuyển trường.
Tôi, lúc đó còn cầm một chiếc giày chưa kịp xỏ vào chân, như bị rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng —— chuyển trường? Chuyển trường là sao? Vậy còn con mèo của tôi? Con voi của tôi? Con nghé của tôi?
Bỏ đi, cho dù ba tôi có tùy tiện thay đổi cuộc sống của con cái theo ý mình, thì trái đất vẫn cứ lặng lẽ quay!
Chuyện này khiến tôi (đề nghị độc giả từ đoạn này trở đi bắt đầu đọc liền tù tì một hơi không ngừng, làm như vậy mới càng tăng thêm cảm giác sống động như thật) kể từ một năm trước vì muốn giành tivi mà ba đang coi bản tin thời sự lúc 9 giờ để xem bộ phim hoạt hình Magic Princess yêu thích mà tôi đã nằm vạ ra đất lăn lộn từ phòng ngủ ra tới cửa phòng khách kết quả bị ba đánh cho một trận tét đít (ngừng được rồi), lần đầu tiên căm ghét ba mình.
Tôi thừa nhận, tôi là một đứa ngốc.
Tan học về đến nhà, tôi chớp chớp đôi mắt đẹp long lanh tha thiết chờ ba về. Bà nội và mẹ ở bên cạnh đi đi lại lại như con thoi không ngừng lấy một giây, thu gom hành lý, còn không quên “quan tâm” tôi – lúc đó đang chìm đắm trong nỗi bi thương vì phải chia tay với bạn bè.
Bà nội: Con bé kia, còn không mau thu dọn đồ đạc!
Tôi cảm thấy cái này đúng là ngược đãi trẻ em!
Ba tôi rốt cục đã về, tôi tạo ra bộ mặt đáng yêu nhất lao tới.
Cô chủ: Ba ơi! Trường mới của con tên gì?
Ba: Trường tiểu học cỡ lớn.
Buổi tối hôm đó, suốt từ chiều cho đến hơn chín giờ – thời gian đi ngủ thông thường của tất cả trẻ em, tôi vẫn chưa nín khóc, qua mười giờ, ba tôi đến dỗ dành.
Ba: Con gái ngoan của ba, có phải con buồn vì phải chia tay với đám con nít hàng xóm hay không?
Cô chủ: Huhu ~ T_T hổng phải.
Ba: Vậy thì, có phải vì có tình cảm với nơi này nên không nỡ ra đi?
Chủ nhân: Oa oa oa ~ Cũng hong phải.
Ba (cho tới lúc này vẫn còn hiền từ và nhẫn nại): Nín nào đừng khóc, rốt cuộc vì sao?
Chủ nhân: Không phải ba nói trường mới tên là “Cỡ Lớn” hay sao? Trên thế giới sao lại có cái trường như thế… tên gì mà xấu hoắc? Con không muốn chuyển trường! !
Hôm đó, tôi mới biết lúc nào cần gào khóc để thị uy, và để bảo vệ tính mạng nhỏ bé của mình thì trong hoàn cảnh nào không được làm như vậy.
Ba (cả người run lên): Bực mình quá cái con nhỏ này! Đem cây xỏ giày lại đây!
《 Quy tắc giáo dục trẻ em 》 quy định số roi được phép đánh trẻ là —— một roi. Nhưng mà hôm đó tôi cam đoan mình bị đánh rất nhiều roi, bởi vì ba tôi vốn không hiểu được khiếu thẩm mỹ của một đứa trẻ chín tuổi.
Bây giờ hồi tưởng lại, ngay cả bản thân tôi cũng không hiểu nổi tiêu chuẩn thẩm mỹ lúc đó của mình —— trường tên là “Cỡ Lớn” thì đã làm sao? Hồi đó vì sao lại căm ghét cái tên này như vậy?
Có điều, nếu như ba tôi là một người có khiếu hài hước, có lẽ khi đó ông sẽ dùng một phương pháp tốt hơn để thuyết phục tôi.
Sao ạ? Vì sao lại kể chuyện cũ năm xưa ư?
À, chẳng qua là vừa nhắc tới chuyện nam nữ sống chung, thì tự nhiên nhớ tới những chuyện cũ này mà thôi, hồi đó hễ tôi mà nhác thấy vật gì có hình dáng tương tự như cái cây xỏ giày thì sẽ run rẩy chuồn đi thật xa, nhưng bây giờ thì tôi cũng dùng nó để mang giày.
Đối với tôi thời đó mà nói, tên của trường học là quan trọng hơn hết thảy. Đây là quan điểm của tôi.
Phần lớn mọi người đều không thể hiểu được phụ nữ sao lại sống chung với đàn ông mà không tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, cuối cùng người bị tổn thương vẫn là phụ nữ, bọn họ đều cảnh báo như thế.
Thế nhưng tôi không hiểu rõ lắm tổn thương ở đây có nghĩa là thế nào? Cũng không dám đồng ý bởi vì nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn để lại trong tình yêu đều là trí mạng.
Cái gọi là trí mạng có nghĩa là khiến người ta rơi vào tình cảnh chắc chắn phải chết. Thế nhưng, rất nhiều người từng trải qua những đau đớn vì thất tình đều vẫn còn sống tốt. Tuy cũng có người tự sát không xong mà trở thành tàn phế, nhưng nhờ thế mà bọn họ sẽ trưởng thành hơn.
Ba tôi cho rằng phụ nữ sống chung với đàn ông trước hôn nhân là loại “không đứng đắn”, là “đáng bị chê cười”, là “sỉ nhục gia đình”, thế nhưng đừng có quên, con gái của ba hồi chín tuổi, đã từng khóc nhặng xị lên chỉ vì một thứ mà nó “cho rằng” là quan trọng.
Với tôi mà nói, trước khi “kết hôn với anh ta” thì quá trình “thử sống chung với anh ta” quan trọng hơn.
Tôi không thể cả đời đi theo một người chồng không hiểu mình, càng không muốn suốt ngày bận bịu con cái, lo lắng việc nhà. Nếu như tôi không thể nào chung sống nổi với một người con trai trong vòng một năm, thì làm sao có thể sống chung với anh ta cả đời?
Còn chưa thử sống chung với anh ta vì sao lại muốn kết hôn?
Vì sao phải gây khó dễ cho những cô gái từng chung sống với người con trai mà họ yêu?
Là bởi vì các cô ấy đã từng trải qua một cuộc tình bỏng cháy hay sao?
Những bạn không đồng ý với quan điểm của tôi, làm ơn hãy nói lên suy nghĩ của mình theo cách thức thông thường và hợp tình hợp lý. Không nên thô lỗ chửi bới, đừng nói những câu kiểu như: “Con gái con đứa, còn nhỏ mà giữa ban ngày ban mặt thế này thế nọ” vân vân khiến người ta buồn cười, càng đừng nói sẽ gây ảnh hưởng thế này thế nọ đối với thanh thiếu niên!
Làm gì có bạn trẻ nào không có đầu óc đến nỗi đọc xong quyển sách này liền bỏ nhà trốn đi tuyên bố sống chung với ai chứ?
Cho nên các bạn vui lòng dùng một phương pháp dễ hiểu nhất, dễ thuyết phục tôi nhất để nói cho tôi biết việc sống chung đó có chỗ nào là xấu, vì sao các bạn không thể nào chấp nhận việc đó. Đây là mong muốn duy nhất của tôi.
Nếu các bạn vẫn không thể nào biểu đạt ý kiến của chính mình theo cách thức thông thường… vậy thì không còn cách nào khác, hiện tại có rất nhiều chỗ dạy trẻ em viết ra suy nghĩ của mình, nghe nói dạy đủ cả đọc lẫn viết, các bạn đừng ngại đến đó học thử xem sao.
Bình chọn
Thích bài này:
Thích
Đang tải…